Xuất khẩu chè: Tái cơ cấu thị trường, hướng vào sản phẩm cao cấp

Xuất khẩu chè tăng hơn 15% về giá trị trong quý 1/2019…

Trong tình cảnh xuất khẩu nhóm các mặt hàng nông sản trong quý đầu năm giảm 13,4% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu chè bất ngờ tăng tới 15,4% về giá trị. Đây là tín hiệu vui cho ngành chè, nhất là trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu chè liên tục sụt giảm những năm qua.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, lượng chè xuất khẩu tháng 3/2019 ước đạt 8 nghìn tấn, đem về 15 triệu USD.

Giá chè xuất khẩu tăng 11%

Lũy kế 3 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu chè ước đạt 26 nghìn tấn và 45 triệu USD, tăng 2,1% về lượng và tăng 15,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Mức tăng này chủ yếu đến từ thị trường Pakistan – thị trường lớn nhất của chè Việt Nam với 34,6% thị phần và tăng đến 91% về lượng và tăng 75,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. 

Trong 5 năm gần đây, lượng nhập khẩu chè của Pakistan liên tục tăng, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8%/năm (theo ITC). Tuy nhiên, thị phần của chè Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Pakistan vẫn còn rất thấp, chỉ khoảng 2,2% trong năm 2018.

Nhìn lại năm 2018, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, cả nước xuất khẩu 127.338 tấn chè, thu về 217,83 triệu USD, giảm 8,9% về lượng và giảm 4,4% về kim ngạch so với năm 2017. Trong đó, Pakistan là thị trường nhập khẩu chè số một của Việt Nam, với 38.213 tấn, tương đương 81,63 triệu USD, chiếm 30% trong tổng lượng chè xuất khẩu của Việt Nam và chiếm 37,5% về kim ngạch, tăng 19,4% về lượng và tăng 18,8% về kim ngạch so với năm 2017. 

Đài Loan là thị trường lớn thứ hai tiêu thụ chè của Việt Nam chiếm gần 14,6% về lượng và chiếm 13,2% trong tổng kim ngạch, đạt 18.573 tấn, tương đương 28,75 triệu USD, tăng 6% về lượng và tăng 5,4% về kim ngạch. 

Riêng xuất khẩu chè sang Trung Quốc do tăng giá mạnh so với năm 2017; vì vậy, lượng chè xuất khẩu tuy giảm 8,8%, đạt 10.121 tấn nhưng kim ngạch lại tăng 34,2%, đạt 19,67 triệu USD.

Giá chè xuất khẩu bình quân của cả nước năm 2018 tăng 4,9% so với năm 2017 và trong quý 1/2019 (đạt 1.727 USD/tấn) tăng 11% so với quý 1/2018. Đây là thành quả của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình nỗ lực cơ cấu lại sản phẩm chè xuất khẩu, chú trọng vào các sản phẩm chè đặc sản và sản phẩm mới. 

Đặc biệt, Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea) đã tung ra 10 sản phẩm xuất khẩu trong năm 2018, chia thành 3 dòng:  trà cao cấp, trà sợi rời và trà túi lọc. Trong đó, dòng trà cao cấp gồm 4 loại chính là: Bạch trà trăm năm, Đinh xuân trà, Hồng Vương trà, Ôlong Thượng hạng.

Bắt kịp thị hiếu tiêu dùng thế giới

Vinatea, trước đây là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, và là doanh nghiệp có quy mô, địa bàn hoạt động lớn nhất ngành chè Việt Nam, từng trải qua thời kỳ hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ. Nhưng từ khi cổ phần hóa vào năm 9/2017, Vinatea đã nhanh chóng tái cơ cấu và hoạt động sản xuất – kinh doanh tăng trưởng cao, lợi nhuận ngày càng tăng. 

Theo ông Nguyễn Hồng Anh – Tổng giám đốc Vinatea, năm 2018 ghi nhận là năm Vinatea đạt sản lượng xuất khẩu trực tiếp nhiều nhất, và cũng là năm thị trường xuất khẩu mở rộng lớn nhất, đặc biệt là các thị trường cấp cao. Để đạt được kết quả này, cùng với thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu các dòng sản phẩm chè cao cấp, Vinatea tận dụng mọi cơ hội để quảng bá sản phẩm ra thế giới. 

Đặc biệt, tại Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất (CIIE 2018) ở Thượng Hải diễn ra tháng 11/2018, đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cầm sản phẩm chè Vinatea giới thiệu với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Vinatea tin tưởng xuất khẩu chè Việt vào Trung Quốc trong năm 2019 này sẽ càng tăng tốc mạnh.

Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) dự báo, sản lượng chè đen toàn cầu sẽ tăng 2,2% mỗi năm trong thập kỷ tới, đạt 4,4 triệu tấn vào năm 2027; trong khi đó, sản lượng chè xanh toàn cầu dự báo còn tăng nhanh hơn, khoảng 7,5% mỗi năm, đạt 3,6 triệu tấn vào 2027. 

Tuy sản lượng tăng, nhưng tiêu thụ thời gian tới sẽ rộng mở hơn, bởi thị trường chè được dự báo sẽ vẫn không ngừng tăng đều đặn, chủ yếu bởi Trung Quốc, nơi chiếm gần 40% tổng tiêu thụ chè toàn cầu và đang sử dụng lượng chè xanh cao nhất trong lịch sử. Trong khi đó, nhu cầu ở những thị trường khác cũng không ngừng tăng lên, trong đó có Ấn Độ, dư sức bù lại cho mức tăng trưởng yếu ở châu Âu.

Về thị hiếu, những năm qua thị trường chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ về thói quen thưởng trà của người tiêu dùng. Trước đây người tiêu dùng thích uống trà truyền thống trong bữa sáng, là chè đen hoặc trà xanh thô. Nhưng hiện nay, nhu cầu tiêu dùng các loại trà đặc sản, trà có hàm lượng chế biến cao, phối trộn với nhiều loại đồ uống bổ dưỡng khác. 

Trong đó, có 2 phân khúc đang phát triển rất mạnh, đó là trà thảo mộc và trà chế biến thủ công (theo cách truyền thống, từ bàn tay của những nghệ nhân). Đây là những chủng loại mà các doanh nghiệp chè Việt Nam cần phải chú trọng đầu tư trong thời gian tới để gia tăng giá bán và kim ngạch xuất khẩu. 

Theo: Vneconomy (Chu Khoi)