Vì sao nông dân Mỹ tiếp tục đặt cược vào đậu tương giữa bối cảnh cuộc chiến thương mại với Trung Quốc?
Nông dân Mỹ có thể đang hướng đến vụ sản lượng đậu tương lớn thứ 3 trong lịch sử bất chấp tình trạng dồn ứ đậu tương tồn kho lại từ vụ trước giữa bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết. Đậu tương là nông sản xuất khẩu có giá trị nhất của Mỹ và cho tới trước khi cuộc chiến thương mại nổ ra, Trung Quốc nhập khẩu đậu tương Mỹ với giá trị lên tới 12 tỷ USD.
Nhưng các chính sách thuế của Trung Quốc đã gần như làm đình trệ hoàn toàn hoạt động thương mại đậu tương giữa hai nước và đẩy nông dân vào tình thế không thể tiêu thụ sản phẩm. Chính phủ Mỹ ước tính nông dân sẽ có 900 triệu giạ, tương đương 8 tỷ USD, tổng lượng đậu tương hiện đang trong các silo dự trữ từ năm ngoái trên cả nước khi họ bắt đầu thu hoạch vụ sắp tới. Chính phủ Mỹ đã triển khai gói chính sách trợ cấp nông nghiệp trị giá 12 tỷ USD trong năm 2018 để giảm nhẹ tác động kinh tế lên nông dân, một bộ phận cử tri quan trọng của tổng thống Mỹ Donald Trump.
Mùa đông sắp kết thúc và nông dân bắt đầu bước vào vụ sản xuất mới, họ quyết định tiếp tục trồng đậu tương bất chấp tình trạng bất ổn hiện tại trước câu hỏi liệu họ có thể bán đậu tương sang Trung Quốc vào cuối năm nay hay không. Nhưng các nông dân cho biết rằng nguyên nhân đơn giản chỉ vì họ không có lựa chọn nào tốt hơn. “Rất khó để chuyển đổi từ đậu tương sang các cây trồng khác bởi lựa chọn nào khác đây?”, theo người nông dân 41 tuổi said Darin Anderson từ Valley City, North Dakota.
Một lựa chọn khác là hạt kê, cũng là mặt hàng đang bị kéo vào cuộc chiến thương mại trên. Nông dân cũng có thể tăng diện tích trồng ngô nhưng ngành sản xuất ethanol từ ngô cũng đang gặp khó khăn. Ngoài ra, nông dân đã liên tục trồng ngô trên cùng một cánh đồng trong 2 năm liên tiếp phải mua thêm phân bón và nhiên liệu để duy trì năng suất. Các cây trồng ngách khác như lanh thì có chi phí khởi sự sản xuất đắt đỏ và thị trường khá hạn chế. “Nông dân đã bỏ ra những khoản đầu tư dài hạn về trang thiết bị sản xuất cũng như kho chứa”, theo người nông dân 44 tuổi Josh Gackle, từ Kulm, North Dakota. “Tất cả đều rất chuyên môn hóa và việc chuyển đổi sang cây trồng khác đòi hỏi một khoản đầu tư hoàn toàn mới”. Điều đó có nghĩa là những nông dân sắp sửa trồng đậu tương đang hy vọng cuộc chiến thương mại hiện nay sớm chấm dứt, hoặc họ sẽ được đền bù bởi một gói cứu trợ khác hoặc các cơ chế bảo hiểm nông nghiệp.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo nông dân sẽ trồng đậu tương trên diện tích khoảng 34,4 triệu ha trong mùa xuân năm nay, chỉ giảm 4,6% so với năm ngoái và sẽ là tổng diện tích đậu tương lớn thứ 3 từng được trồng tại Mỹ. USDA dự báo giá đậu tương giảm trong năm 2019 do các chính sách thuế và nguồn cung tăng. Nhưng giá đậu tương trên thị trường tương lai vẫn diễn biến khá tích cực, xét đến những gián đoạn thị trường do các chính sách thuế gây ra. Giá đậu tương tương lai đã tăng 5,3% kể từ khi Trung Quốc áp thuế 25% từ tháng 7/2018, nghĩa là ngày càng nhiều nông dân đạt biên lợi nhuận nhỏ từ sản xuất đậu tương. “Trồng đậu tương chẳng mang lại lợi nhuận nhiều”, theo nông dân 30 tuổi Austin Rincker, từ Moweaqua, Illinois. “Nhưng đó vẫn là một cây trồng tốt và vẫn có khả năng sinh lời”. Rincker cho hay sẽ phân chia 50-50 giữa ngô và đậu tương sau khi có kinh nghiệm phân chia này từ năm 2018. Bất cứ quyết định gia tăng diện tích trồng ngô nào cũng sẽ khiến chi phí sản xuất tăng lên.
Nông dân Mỹ cũng tự tin rằng các hoạt động sản xuất của họ sẽ được hưởng chính sách bảo hiểm nông nghiệp do chính phủ trợ cấp nếu tình trạng giảm giá mạnh diễn ra. Nông dân Mỹ tham gia các chính sách bảo hiểm cá nhân, cung cấp một mức giá tối thiểu họ nhận được khi đặt bán nông sản của họ. Chính phủ liên bang mỹ thanh toán khoản 60% các đền bù bảo hiểm cho nông dân. “Tôi rất vui khi biết về chính sách này”, theo Art Bunting, một nông dân tại Illinois thường lựa chọn các gói bảo hiểm cho 85% doanh thu dự kiến – mức tối đa mà các gói bảo hiểm hiện nay tại Mỹ.
Giá bảo hiểm cho đậu tương năm 2019 đặt ra ở mức 9,64 USD/giạ trên thị trường tương lai trong tháng 2 – thấp hơn 62 cents so với cùng kỳ năm ngoái. Hợp đồng đậu tương giao tháng 11, thường được sử dụng để quyết định mức giá bảo hiểm, đã giảm 18 cents xuống dưới mức giá trên vào giữa tháng 3. Cùng với bảo hiểm nông nghiệp, nông dân cũng có thể nhận được các chính sách trợ cấp của chính phủ để cải thiện khả năng sinh lời, từng triển khai năm 2018, với các khoản ngân sách lớn dành cho đậu tương. USDA cũng từng liên tục khẳng định gói chính sách này trong thời gian qua.
Tương lai kinh tế của nông dân Mỹ nằm trong tay các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc đang triển khai để chấm dứt cuộc chiến thương mại, theo chủ tịch hãng tư vấn Utterback Marketing là Bob Utterback cho hay. “Ngành nông nghiệp Mỹ sẽ thiệt hại cực kỳ nghiêm trọng” nếu không có thỏa thuận nào được đưa ra.
USDA dự báo nhập khẩu đậu tương hàng năm của Trung Quốc sẽ giảm trong năm 2019, lần đầu tiên kể từ năm 2004. Trung Quốc mới chỉ đặt hàng 11 triệu tấn đậut ương Mỹ kể từ khi năm thương mại bắt đầu từ 1/9/2018, giảm từ mức 28,2 triệu tấn trong cùng kỳ năm trước đó. Tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc dự báo giảm 6,5% so với năm ngoái.
Dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh tại Trung Quốc, đã được báo cáo tại 28 tỉnh và khu vực, dẫn tới tình trạng tiêu hủy lợn trên diện rộng và giảm nhu cầu thức ăn chăn nuôi lợn tại Trung Quốc. Nước này cũng đã nỗ lực thúc đẩy các TACN thay thế sử dụng trong công thức TACN nhằm giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu từ Mỹ. Nhưng nhiều nông dân cho rằng Trung Quốc sẽ buộc phải quay trở lại thị trường Mỹ bởi ngay cả khi họ thành công về giảm nhu cầu bột đậu tương thì nhu cầu đối với đậu tương tại Trung Quốc cũng đã kịp tăng hơn 3 lần trong 15 năm qua. Và Bắc Kinh cũng đã hứa sẽ nhập khẩu thêm 10 triệu tấn đậu tương như một phần của các đàm phán thương mại, theo các nhà chức trách Mỹ cho hay. “Tôi cho rằng nhu cầu đậu tương vẫn sẽ tiếp diễn”, theo người nông dân 66 tuổi Roger Hadley tại Indiana, hiện đang định phân chia đều diện tích đất nông nghiệp ông có giữa trồng đậu tương và ngô trong mùa xuân này. “Bởi thói quen sử dụng đã hình thành”.
Theo Reuters