Thị trường cà phê vẫn dư cung: Giá giảm đến bao giờ?

Thị trường cà phê đang trải qua những năm khó khăn khi giá cà phê tiếp tục theo xu hướng giảm do tình trạng dư cung toàn cầu, và đối với các nhà đầu tư cà phê Arabica, năm 2019 cho tới nay vẫn chưa có dấu hiệu tích cực.

Cà phê Arabia, vốn được ưa chuộng trong các đồ uống đặc sản, như các đồ uống tại Starbucks Corp., đang được giao dịch ở mức gần thấp nhất kể từ tháng 9/2018 và tiệm cận mức thấp nhất trong vòng 12 năm. Phần nhiều nguyên nhân đẩy giá cà phê giảm là do Brazil, nước có sản lượng cà phê cao kỷ lục trong năm 2018 và dự báo sẽ có năm 2019 tiếp tục đạt sản lượng cao. Câu hỏi là liệu giá cà phê sẽ giảm đến bao giờ và liệu thị trường có đang tiến tới khúc ngoặt. Dưới đây là những yếu tố đang tác động lên giá cà phê và cần theo dõi:

Giá cà phê giảm sâu

Cà phê Arabica là một trong những hàng hóa giảm giá mạnh nhất trong 2 năm vừa qua.  Tại nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới là Brazil, nhiều năm giá cà phê ở mức cao đã cho phép nông dân tăng đầu tư, dẫn tới năng suất tăng và thời tiết thuận lợi càng khiến sản lượng tăng. Đồng Real Brazil giảm giá trong 2 năm vừa qua cũng khuyến khích xuất khẩu và hạ giá cà phê chào bán bằng USD.

Giá cà phê tương lai Arabica giảm khoảng 4% từ đầu năm 2019 đến nay xuống còn khoảng 97,7 cents/pound trên thị trường New York. Giá cà phê Robusta diễn biến tích cực hơn, tăng nhẹ từ đầu năm đến nay.

Quá nhiều cà phê trên thị trường

Nam Mỹ chiếm phần lớn trong mức tăng sản lượng cà phê vụ hiện tại, và thị trường cà phê thế giới dư cung năm thứ 2 liên tiếp, với mức thặng dư 2,3 triệu bao, theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ITC). Dù nhiều nông dân đang gặp khó khăn nhưng họ rất khó phản ứng hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác do mới tái canh cây cà phê vài năm trước. Khi giá thấp, nông dân thường giảm bón phân hoặc chăm sóc cây nhưng các biện pháp này cần thời gian để tác động lên nguồn cung.

“Giá cà phê không thể tăng do thặng dư lớn”, theo Rodrigo Costa, giám đốc cà phê tại Mỹ cho công ty giao dịch Brazil Comexim. “Khi giá cà phê tăng, người sản xuất tận dụng cơ hội bán ra, cho các nhà đầu cơ thấy rằng họ đang có nguồn tồn kho dồi dào, khiến giá cà phê càng giảm thêm”.

Cà phê hạng cao

Cà phê Arabica thường có mức chênh giá cao hơn so với cà phê Robusta – vốn thường sử dụng trong cà phê hòa tan. Nhưng với diễn biến giá cà phê Arabica gần đây, chênh lệch giá này đang thu hẹp xuống tiệm cận mức thấp nhất trong 20 tháng và không cách biệt nhiều so với mức thấp nhất trong vòng hơn 1 thập kỷ.

Dù vậy. mức chênh giá này dự báo có thể tiếp tục thu hẹp hơn khi các nhà rang xay bắt đầu thay đổi lượng sử dụng hai loại cà phê này trong công thức phối trộn. Đó là vì các nhà rang xay không có xu hướng thay đổi thường xuyên công thức phối trộn bởi người tiêu dùng đã quen với hương vị cũ.

Triển vọng thị trường

Các nhà đầu cơ phần lớn đang đặt cược giá cà phê giảm trong khoảng 18 tháng, nhưng liệu mốc thời gian có thay đổi? Olam International Ltd., nhà cung cấp cà phê lớn thứ 2 trên thế giới, cho rằng giá cà phê tương lai sẽ tăng do thặng dư giảm bởi thời tiết xấu sẽ tác động lên các nhà sản xuất cà phê tại nhiều khu vực sản xuất chính tại Nam và Trung Mỹ. Comexim của Brazil cho rằng giá cà phê Arabica sẽ bật tăng lên mức 1,2 USD/pound vào giữa năm do triển vọng đồng Real mạnh lên. Trong khi đó, Rabobank International cho rằng giá cà phê trung bình đạt 1,03 USD/pound trong nửa đầu năm và 1,05 USD/pound trong nửa cuối năm 2019.

Theo Bloomberg

cà phê