Ngành sữa Việt Nam củng cố sức mạnh để chuẩn bị cho cạnh tranh khốc liệt hơn khi CPTPP có hiệu lực
Trong một báo cáo công bố bởi Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các nhà phân tích đã liệt kê các danh mục giảm thuế nhập khẩu cũng như tăng nhận thức sức khỏe người tiêu dùng là các yếu tố góp phần giúp ngành sữa Việt Nam củng cố sức mạnh, chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh sắp tới. Theo CPTPP, các sản phẩm sữa từ Nhật Bản, Singapore và New Zealand hiện không còn là đối tượng chịu bất cứ mức thuế nhập khẩu nào, nghĩa là các sản phẩm sữa từ các nhà cung cấp này sẽ giảm giá và tăng khả năng cạnh tranh với các thương hiệu nội địa. Nâng cao nhận thức dinh dưỡng và sức khỏe cho người tiêu dùng Việt Nam sẽ giúp tăng nhu cầu. “Người tiêu dùng hiện ưa chuộng các sản phẩm sữa hữu cơ, chất lượng cao cũng như nhu cầu đối với các sản phẩm sữa từ hạnh nhân và hạt macadamia đang khiến nhu cầu đối với sữa hoàn nguyên giảm”.
Theo Vietnamnews, khoảng 70% nguồn cung sữa trên thị trường Việt Nam là sữa hoàn nguyên. Loại sữa này có giá trị dinh dưỡng thấp hơn sữa tươi xét về hàm lượng vitamins và khoáng chất, và một số chỉ trích cho rằng loại sữa này có xu hướng chứa nhiều cholesterol bị ôxi hóa trong quá trình chế biến. Các công ty sữa nội địa cũng có thể đối mặt với các vấn đề gây ra bởi sữa nguồn gốc thực vật, vốn khác xa so với các danh mục sản phẩm thông thường của họ. Theo NDH, các công ty sữa sẽ cần thời gian để thay đổi các cấu trúc sản phẩm và đáp ứng nhu cầu thị trường; tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn dự báo xu hướng tăng trưởng dài hạn tích cực đối với ngành sữa Việt Nam, chủ yếu nhờ “dân số đông đảo, trẻ, tăng trưởng nhanh” và thu nhập tầng lớp trung lưu tiếp tục tăng.
Sự chú ý ngày càng tăng của nước ngoài
Ngày càng nhiều các công ty nước ngoài bày tỏ sự quan tâm tới ngành sữa Việt Nam, một xu hướng có thể được khuếch đại nhờ CPTPP có hiệu lực. Hồi đầu năm 2019, tập đoàn Asahi của Nhật Bản đã thành lập một công ty liên doanh với Nutifood của Việt Nam nhằm tập trung vào các sản phẩm tiêu chuẩn Nhật Bản cho trẻ em tại Việt Nam. Phát biểu tại lễ khánh thành, chủ tịch mảng thực phẩm của tập đoàn Asahi Shoyama Katsuo cho biết đây là “lần đầu tiên Asahi hợp tác với một công ty nước ngoài về các sản phẩm hàng tiêu dùng”, và Việt Nam là một thị trường quan trọng đối với công ty. Theo Saigon Online, các sản phẩm sữa cho trẻ nhỏ này được các nhà dinh dưỡng tại Nutifood xây dựng công thức để đảm bảo tính phù hợp cho trẻ em Việt Nam nhưng sản xuất ban đầu sẽ được tiến hành tại Nhật Bản.
Fonterra, công ty sữa của New Zealand, là một trong những công ty sữa lớn nhất tại Việt Nam. Theo trang web của công ty, Fonterra chiếm 57% thị phần ngành dịch vụ thực phẩm có sử dụng sữa tính đến năm 2017. “Việt Nam là một thị trường quan trọng đối với chúng tôi và là thị trường mà chúng tôi có lịch sử lâu dài cung cấp các nguyên liệu sữa trong hơn 40 năm qua, đồng thời đang vận hành kinh doanh các thương hiệu hàng tiêu dùng trong hơn 2 thập kỷ”, theo giám đốc điều hành thương hiệu Fonterra tại Việt Nam Linda Tan cho hay. Theo Fonterra, mặc dù tiêu dùng sữa trên đầu người tại Việt Nam thấp hơn các nước Đông Nam Á khác nhưng nhu cầu đối với các thực phẩm có hàm lượng protein cao, như sữa, đang tăng lên. Về thị phần, hiện Vinamilk dẫn đầu thị trường với khoảng 27%, theo sau là Abbott với 17% và Friesland Campina với 12%, theo thông tin từ Vietnam Plus.
CPTPP mang lại tiềm năng lớn
CPTPP là một thỏa thuận thương mại tự do mới, được ký kết giữa 11 nước: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Hiệp định này ban đầu sẽ có hiệu lực trước với 6 nước đã thông qua, bao gồm Úc, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore vào ngày 30/12/2018, và có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/1/2019.
Theo trang web của chính phủ Canada, việc triển khai có hiệu lực Thỏa thuận này đối với 11 nước sẽ tạo nên một khối thương mại có 495 triệu người tiêu dùng và chiếm 13,5% GDP toàn cầu.
Theo Food Navigator Asia