Tháng 2/2019, Giá thực phẩm thế giới tăng vì giá sữa

Giá thực phẩm thế giới tăng trong tháng 2/2019 chủ yếu nhờ giá sữa

Theo thông tin công bố từ FAO, giá thực phẩm thế giới tăng trong tháng 2 vừa qua, chủ yếu do giá sữa tăng vọt. Chỉ số giá thực phẩm FAO (FFPI) đạt trung bình 167,5 điểm trong tháng 2/2019, tăng 2,7 điểm (1,7%) so với tháng 1. Mặc dù đây là mức cao nhất kể từ tháng 8/2018, nhưng vẫn thấp hơn 4 điểm (2,3%) so với cùng kỳ năm 2018. Giá tất cả các mặt hàng đại diện trong FFPI tăng trong tháng 2, với mức tăng mạnh nhất ở nhóm các mặt hàng sữa.

Chỉ số giá ngũ cốc FAO đạt trung bình gần 169 điểm trong tháng 2, tăng nhẹ so với tháng 1 và cao hơn gần 8 điểm (4,7%) so với cùng kỳ năm 2018. Trong số các loại ngũ cốc chính, giá ngô tăng mạnh nhất, chủ yếu do giá xuất khẩu chào bán từ Mỹ tăng trước những lo ngại về khả năng gián đoạn vận chuyển. Tuy nhiên, giá lúa mỳ, bắt đầu tháng 2 với một đợt tăng giá chủ yếu do những lo ngại về nguồn cung, sau đó giảm do tốc độ mua yếu đi gây áp lực giảm giá mạnh. Chỉ số giá gạo của FAO duy trì ổn định do nhu cầu chậm làm giảm giá gạo chào bán từ Ấn Độ, nhưng được bù đắp nhờ thị trường gạo Japonica sôi động hơn.

Chỉ số giá dầu thực vật FAO đạt trung bình 133,5 điểm trong tháng 2, tăng 2,3 điểm (1,8%) so với tháng 1 và là mức cao nhất kể từ tháng 10/2018. Mức tăng chỉ số này chủ yếu phản ánh giá dầu cọ, dầu đậu tương và dầu hạt hướng dương tăng lên. Giá dầu cọ tăng tháng thứ 3 liên tiếp do sản lượng giảm sút mạnh theo mùa tại các nước sản xuất lớn nhất thế giới cộng với nhu cầu nội địa tại các nước này tăng mạnh. Giá dầu đậu tương và dầu hạt hướng dương tăng chủ yếu do nguồn cung toàn cầu hạn chế. Giá dầu mạnh lên cũng đóng góp cho diễn biến giá các loại dầu thực vật tăng lên.

Chỉ số giá thịt FAO đạt trung bình 163,6 điểm trong tháng 2 vừa qua, tăng nhẹ 1,2 điểm (0,7%) so với tháng 2 nhưng vẫn thấp hơn 4% so với cùng kỳ năm 2018. Tháng 2 vừa qua, giá thịt bò và thịt lợn tăng, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh, cùng với nguồn cung khả dụng xuất khẩu thịt bò hạn chế, đặc biệt là từ New Zealand, và của thịt lợn từ EU. Tuy nhiên, giá thịt gia cầm giảm, chủ yếu do tốc độ xuất khẩu chậm lại, trong khi giá thịt cừu cũng giảm, phản ánh nguồn cung khả dụng xuất khẩu dồi dào từ New Zealand.

Chỉ số giá sữa của FAO đạt trung bình 192,4 điểm, tăng 10,3 điểm (5,6%) so với tháng 1 và hiện đang tiến sát đến mức điểm hồi tháng 2/2018. Giá quốc tế của tất cả các sản phẩm sữa đại diện cho chỉ số này đều tăng trong tháng 2 vừa qua, với mức tăng cao nhất so với tháng 1 diễn ra trên thị trường sữa bột gầy (SMP), tiếp theo là sữa bột nguyên kem (WMP), phô mai và bơ. Nhu cầu nhập khẩu cao, đặc biệt là đối với những nguồn cung từ châu Đại dương, đẩy giá SMP, WMP và phô mai tăng. Đối với bơ, diễn biến giảm theo chu kỳ sản xuất đã được dự báo từ trước tại châu Đại dương trong những tháng tới, là nguyên nhân chính thúc đẩy giá bơ tăng.

Chỉ số giá đường FAO đạt trung bình 184 điểm trong tháng 2/2019, tăng 2,2 điểm (1,2%) so với tháng 1/2019. Mức tăng này chủ yếu phản ánh sự lo ngại liên quan đến triển vọng sản xuất tại các nước sản xuất lớn. Sản lượng đường của Ấn độ trong năm 2018/19 dự báo giảm 5% so với sản lượng hồi năm ngoái, trong khi sản lượng đường tại khu vực trung nam Brazil – thủ phủ ngành đường nước này – từ tháng 10/2018 – 1/2019 ước tính giảm 26% so với cùng kỳ trước. Giá dầu tăng tai Brazil cũng là môt yếu tố tích cực tác động lên giá đường quốc tế, khi các nhà máy đường Brazil đang tăng tỷ trọng sử dụng mía cho sản xuất ethanol nội địa thay vì sản xuất đường.

Theo FAO