Việt Nam có thể thiếu 500.000 tấn thịt heo dịp Tết Nguyên đán

Nhu cầu tiêu thụ thịt heo cũng suy giảm khi người tiêu dùng cắt giảm tạm thời vì tâm lý lo sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ. Nhiều gia đình đã thay đổi cơ cấu bữa ăn, các nhà hàng và bếp công nghiệp cũng thay thế thịt heo bằng gia cầm, gia súc khác.

Sức tiêu thụ giảm nhưng nguồn cung biến động mạnh hơn nên cán cân cung cầu thịt heo được dự báo lệch lớn trong giai đoạn cuối năm. Ước tính từ tháng 7/2019 đến gần Tết Nguyên đán năm sau, Việt Nam có thể thiếu 500.000 tấn thịt heo. 

21205677 – closeup of butcher’s hands holding meat piece in shop

Công ty nghiên cứu thịt trường Ipsos cho rằng nguồn cung thiếu hụt khiến giá bán lẻ thịt heo tăng lên.

Ipsos Consulting dự báo dịch tả heo châu Phi khiến thị trường heo Việt Nam trong giai đoạn này phân hoá thành 4 xu hướng chính là tăng nhập khẩu, tăng giá bán lẻ, tăng sức mua các loại thịt thay thế và thịt heo có thương hiệu.

Điển hình như tại TP HCM, Cục Hải quan cho biết lượng thịt heo nhập khẩu qua các cảng trong 6 tháng đầu năm (tính đến ngày 19/6) tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính các doanh nghiệp đã chi gần 7 triệu USD để nhập thịt heo với khoảng 4.000 tấn thịt dạng đông lạnh. Nguồn hàng chủ yếu đến từ Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Đức, Ba Lan… Việc tăng nhập khẩu, cộng thêm việc các hộ chăn nuôi chưa dám tái đàn, khiến giá bán lẻ thịt heo sẽ tăng mạnh và tác động đến chỉ số giá tiêu dùng giai đoạn cuối năm nay và đầu năm sau.

Sau những biến động của ngành chăn nuôi, Ipsos Consulting cho rằng, người tiêu dùng ngày càng cảnh giác và khó tính hơn trong việc lựa chọn thịt heo. Điều này tạo cơ hội cho các sản phẩm thịt có thương hiệu, xuất xứ rõ ràng tìm được chỗ đứng vững chắc. Nhóm mặt hàng này chiếm tỷ trọng chưa đến 5% trong tổng mức tiêu thụ thịt heo của Việt Nam năm 2018, nhưng đang có mức tăng trưởng tốt trong giai đoạn 5 năm trở lại đây. 

Phương Đông – Vnexpress.net